TPO - Nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định chưa tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Cửa hàng xăng dầu 304 tại số 174 Hà Huy Tập, Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội treo biển “tạm nghỉ sửa máy”. (Ảnh chụp lúc 11 giờ ngày 22-2). Ảnh: Phong Cầm. |
Theo đó, sẽ tiếp tục sử dụng quỹ Bình ổn giá và các biện pháp tài chính khác để ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước
Theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây có biến động theo chiều hướng tăng, giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện hành thấp hơn giá cơ sở và thấp hơn giá bán lẻ xăng dầu của một số nước trong khu vực (giá xăng RON 92 thấp hơn Trung Quốc trên 2.000 đồng/lít, thấp hơn Lào trên 4.000 đồng/lít, thấp hơn Campuchia trên 5.300 đồng/lít,).
Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chưa tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước mà tiếp tục sử dụng quỹ Bình ổn giá và các biện pháp tài chính khác để ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Tiếp tục theo dõi giá xăng dầu thế giới
Thủ tướng giao các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá giá xăng dầu thế giới và trong nước, chủ động đề xuất các biện pháp thích hợp để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả thị trường.
Trước đó, ngày 23-2, một cán bộ tổ điều hành giá xăng dầu cho biết đã đề xuất một số phương án điều hành giá xăng dầu lên lãnh đạo Bộ Tài chính từ ngày 20-2. Theo đó, phương án có tính đến giảm thuế nhập khẩu, cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn và cả tăng giá xăng dầu. Dù phương án nào thì cũng khó trong lúc này vì nếu tăng giá sẽ tác động đến mặt bằng giá cả thị trường do xăng dầu là huyết mạch của nền kinh tế. Còn nếu giảm thuế thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là trong năm nay ngân sách rất eo hẹp.
Một số doanh nghiệp như Petrolimex, Công ty thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty dầu khí thành phố Hồ Chí Minh, PVOIL đã gửi văn bản tới Bộ Tài chính kiến nghị về việc điều hành giá xăng dầu và thông báo về giá bán cơ sở với giá bán hiện hành.
Xăng dầu tại Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Qua theo dõi 30 ngày vừa qua so với chu kỳ 30 ngày trước, giá xăng dầu thế giới đang tăng khoảng từ 2-3% tùy từng loại. Đây cũng là giai đoạn phim vo thuat lặp lại chu kỳ như vài năm trước vì thời gian này các nhà máy xăng dầu nghỉ để bảo dưỡng.
Một số cây xăng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận ngừng bán với lý do “sửa chữa”, “mất điện”... Ảnh: Phong Cầm. |
Trong khi đó, trong những ngày qua, trước thông tin đồn đoán về việc sắp tăng giá xăng dầu, nhiều cây xăng tại nhiều địa phương đã có dấu hiệu găm hàng chờ tăng giá như báo Tiền Phong đã phản ánh, gây bức xúc cho người dân.
Ngày 22-2, nhiều bạn đọc phản ánh tới đường dây nóng báo Tiền Phong cho biết, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu khu vực ngoại thành Hà Nội và một số tỉnh lân cận ngừng hoạt động, có biểu hiện găm hàng chờ tăng giá.
Khảo sát của PV sáng 22-2, dọc theo trục đường từ cầu Chương Dương (Hà Nội) đến thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), những cây xăng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (MIPECORP), vẫn bán bình thường.
Tại Cửa hàng xăng dầu 304, thuộc Cty cổ phần đầu tư và phát triển dịch vụ dầu khí - PISD (thuộc PVOIL) số 174, đường Hà Huy Tập (thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) vắng người ra vào.
Ở đây có hai máy bơm xăng nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của nhân viên, cửa đóng, then cài. Trong khi đó, trên máy bơm xăng, cửa hàng này trưng tấm biển “Tạm nghỉ sửa máy”.
Cùng ngày, theo khảo sát của PV Tiền Phong, từ đầu QL5 đến km16 thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) có 10 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Các cửa hàng vẫn hoạt động bình thường nhưng một số nơi bán hàng nhỏ giọt.
Khi thấy PV chụp ảnh, có cửa hàng nhân viên chạy ra la mắng. Sáng cùng ngày, trên quốc lộ 1A cũ (từ đường Giải Phóng, đến huyện Thường Tín), theo ghi nhận của PV Tiền Phong, có 2 cửa hàng kinh doanh xăng dầu báo hết xăng, ngừng bán.
Cụ thể, tại cửa hàng xăng dầu Trường Sơn, từ sáng đến đầu giờ chiều, treo tấm bảng thông báo với dòng chữ “hết xăng”. Còn tại Xí nghiệp xăng dầu Văn Giáp cách đó khoảng 1km trong vai người mua xăng, khi PV dắt xe vào, một nhân viên tại đây trả lời thẳng “làm gì có xăng để bán”.
Cùng cảnh không mua được xăng như PV, một phụ nữ vừa dắt xe vừa lắc đầu ngao ngán. Được biết, trước đó cây này vẫn bán xăng bình thường, chỉ đến sáng 22-2 mới ngừng bán.
Theo quan sát của PV, ngoài những cây xăng không bán cho khách hàng, những cây xăng còn lại dọc theo Quốc lộ 1A cũ, dù có từ 4 đến 5 trụ bơm nhưng chỉ có mỗi một nhân viên đứng bán hàng và phục vụ khách hàng theo kiểu nhỏ giọt.
T.Đ – T.H (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét